Nếu như không có đồ bảo hộ, không một ai có thể sống sót sau một tai nạn với tốc độ như vậy. Bạn có biết rằng bạn cũng có thể mua được tất cả những trang bị bảo hộ như Marquez mặc lúc bị va chạm với giá khoảng 6500 USD (khoảng gần 140 triệu đồng)? Số tiền đó vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với chi phí điều trị sau một tai nạn nghiêm trọng, và đương nhiên không thể so sánh được với sinh mạng của một con người.
Do có sức mạnh và tốc độ lớn hơn rất nhiều so với xe gắn máy bình thường, người lái xe mô-tô phân khối lớn cần phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn tối đa.
Trước khi chúng ta bắt đầu đi sâu vào chi tiết, bạn cần phải xác định rõ 2 điều về đồ bảo hộ mô-tô: 1) chúng rất đắt tiền, 2) chúng có vai trò tối quan trọng đối với sự an toàn của chính bạn khi đi xe phân khối lớn (PKL). Chính vì vậy, nếu định mua xe mô-tô, bạn nên tính luôn cả tiền mua đồ vào giá thành của xe. Chẳng hạn, nếu bạn định bỏ ra khoảng 300 triệu để mua một chiếc PKL, bạn nên xác định rằng sẽ phải đầu tư thêm khoảng 24 - 30 triệu để mua tất cả đồ bảo hộ cần thiết, bao gồm mũ bảo hiểm, găng tay, quần áo bảo vệ và giày.
Nhiều người lái mô-tô ở Việt Nam thường chỉ đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe của họ. Đây thực sự là một sai lầm nghiêm trọng. Đầu tiên, bạn chỉ có thể tận hưởng được hoàn toàn sự ưu việt, sức mạnh và tốc độ của xe PKL khi mang đầy đủ đồ bảo hộ. Thứ hai, chúng sẽ bảo vệ bạn một cách hiệu quả nhất khi xảy ra tai nạn ở tốc độ cao. Hai điều trên luôn đúng khi bạn lái mọi loại mô-tô. Có thể bạn sẽ thanh minh rằng một chiếc áo da với quần jean và mũ bảo hiểm 3/4 đầu trông mới hợp với một chiếc xe cruiser kiểu Harley-Davidson, tuy nhiên hãy nhớ rằng các định luật vật lý không thể thay đổi phụ thuộc vào việc bạn đang lái xe gì!
Trên thực tế, cơ thể con người chỉ có thể an toàn khi xảy ra tai nạn ở dưới 50 km/h. Thậm chí ngay cả ở tốc độ này, nếu bạn va chạm với một vật cứng, bạn vẫn có thể có nguy cơ bị tai nạn nghiêm trọng và thậm chí là tử vong. Đương nhiên, nếu như di chuyển càng nhanh, da, xương và các bộ phận cơ thể của bạn sẽ càng không thể chịu được lực tác động khi xảy ra tai nạn.
Khoa học đã chứng minh rằng với lực ma sát thông thường của bề mặt mặt đường, bạn sẽ mất đi 1 mm da thịt cho mỗi 1,5 km/h nhanh hơn kể từ tốc độ 50 km/h trong trường hợp cơ thể bị trượt trên đường sau tai nạn. Như vậy, ở tốc độ 88 km/h, bạn sẽ mất đi khoảng 2,5 cm thịt.
Ở tốc độ cao hơn nữa, cơ thể bạn sẽ bị mòn tới xương, gây ra sự nhiễm trùng xương. Giả sử bạn không tử vong sau tai nạn, bạn cũng sẽ phải sống nốt phần đời còn lại trong đau đớn, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu như không may mắn.
Tai nạn có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, bất kể người đó có kinh nghiệm lái xe dầy dặn tới đâu. Chính vì vậy, cách nhiều người bao biện "Tôi biết cách lái xe và tôi sẽ cẩn thận" hoàn toàn vô nghĩa. Nhiều phóng viên, người thử xe và tay đua chuyên nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm cầm lái và luôn điều khiển xe một cách cẩn thận, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn bị tai nạn. Và đương nhiên, nếu không có đồ bảo hộ, nguy cơ tử vong khi xảy ra tai nạn sẽ tăng lên rất, rất nhiều lần.
Chúng tôi đã nêu ra tầm ảnh hưởng và tác hại của việc không mặc đồ bảo hộ khi lái xe PKL, và sau đây là một ví dụ về việc mặc đồ bảo hộ đầy đủ có thể bảo vệ người lái khỏi tai nạn như thế nào. Marc Marquez - tay đua đương kim vô địch giải Moto GP Thế giới vừa bị tai nạn ở tốc độ hơn 337 km/h vào đầu tháng 6/2014.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, anh vẫn có thể đứng dậy và bước đi bình thường, hoàn toàn không bị bất cứ một chấn thương nghiêm trọng nào. Rất ít người có thể đạt được tới trình độ lái xe như Marquez, mặc dù vậy, anh vẫn gặp tai nạn. Đương nhiên, Marquez cũng rất may mắn mới có thể sống sót kỳ diệu như vậy, nhưng chắc chắn anh không thể tham gia đua mà không mặc đầy đủ đồ bảo hộ "từ đầu tới chân".
Chính vì vậy, mỗi người lái xe mô-tô cần phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ mỗi khi ngồi sau tay lái, để có thể bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình trong trường hợp xảy ra tai nạn. Trong thời gian sắp tới, VOV sẽ có những bài viết hướng dẫn cách lựa chọn những trang bị bảo hộ cần thiết nhất khi sử dụng xe PKL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét